Thứ Năm, 14 tháng 1, 2016

BÁNH MỲ SỮA CỦA CÔ TUYẾT LÀNH

Công thức của cô Tuyet Lanh Hoang shared Bếp Nhà Tuyết Lành Hoàng‘spost.
bms2
BÁNH MỲ SỮA LOẠI NHỎ LÀM TẠI NHÀ CÔNG THỨC VÀ CÁCH LÀM BẾP NHÀ TUYẾT LÀNH HOÀNG.
1/ NGUYÊN LIỆU: ( 13 bánh ).
– 500g bột mỳ số 45 hoặc số 55 hoặc bột mỳ đa dụng.
– 80g đường trắng hạt nhỏ.
– 7g= đầy lùm lùm miệng thìa cà phê muối hạt nhỏ.
– 1 thìa súp dầu ăn.
– 250ml sữa tươi không đường để ở nhiệt độ phòng, nếu là sữa lạnh ta phải đun cho sữa hơi ấm lên.
( LƯU Ý : Nếu bạn nào dùng bằng men nở tươi hoặc men nở Boulangère thì múc 25 ml sữa ấm cho vào bát con rồi cho men nở tươi vào lắc đều hoặc dùng đũa tre quấy cho tan đều men nở trước khi cho vào hỗn hợp bột đã được nhào đều ).
– 1quả trứng gà để ở nhiệt độ phòng.
– 1gói men nở instantanée loại cân nặng 5g hoặc 1 gói men nở Boulangère loại cân nặng 7- 8g hoặc 20g men nở tươi ( levure fraîche ).
– 1 thìa cà phê nước cốt va ni hoặc 1 gói đường va ni.
*** Nguyên liệu phết mặt bánh:
– 1 lòng đỏ trứng gà.
– 2 thìa súp nước.

2/ CÁCH LÀM:
– Cho các nguyên liệu vào âu của máy đánh bột theo đúng thứ tự sau : Sữa, dầu ăn, trứng gà, muối, đường, va ni bột mỳ, men nở. Riêng men nở bạn nhớ bỏ gọn sát vào mép âu ( tránh không được chạm vào các chất lỏng phía dưới, có nghĩa là bột nở nằm bên trên bột mỳ ).
– Máy đánh bột đã lắp sẵn que đánh bột. Bật máy chạy từ số 1 đến số 4. Đánh trong thời gian 5-6′ ( nếu bạn nào dùng bằng bột nở tươi thì sau khi máy trộn bột được 2′-3′ ta cho men nở tươi đã được hoà tan vào. Trộn bằng tay cũng đợi nhào đều các nguyên liệu rồi mới cho men nở tươi đã hoà tan vào ) khi thấy bột hoà quyện vào nhau và không dính bột vào thành âu nữa là bột đã được. Nếu bạn nhồi bột bằng tay thì cũng cho các nguyên liệu vào âu to THEO ĐÚNG THỨ TỰ như đã bày ở trên, tuỳ theo khả năng nhồi bột mạnh hay nhẹ của bạn mà quyết định thời gian, có thể là từ 15-20′ hoặc hơn, cứ khi nào bạn thấy bột mịn, nhẹ, không dính thành âu và khi vo tròn lại vỗ vào cục bột nghe tiếng kêu bộp bộp rỗng như tiếng thử mít chín hoặc tiếng thử dưa hấu là được.
– Phủ kín âu bột bằng một khăn khô, sạch và đậy lên lớp khăn bằng một cái vung nồi, để bột ở chỗ kín gió như trong lò nướng hoặc ở nhiệt độ phòng ( có nhiệt độ từ 20°-25°c ) trong thời gian từ 1,5-2h.
– Khi hết thời gian ủ bột, bột sẽ nở gấp đôi. Ta nắm tay lại như nắm đấm rồi dùng mu bàn tay ấn nhẹ cho bột tụt xuống khỏi thành âu và thoát hết khí ra ngoài, vét hết bột ra khỏi âu để lên bàn làm bột ( đã rắc sẵn một lớp bột áo ), vê nhẹ cục bột dài giống như cái bánh mỳ dài nhỏ, dùng dao cắt chia bột thành những đoạn bột to bằng nhau có trọng lượng nặng 60g ( được 13 bánh ), sau đó bạn tạo hình bánh mỳ tròn hay dài ( khoảng 10-12 cm ) là tuỳ ý bạn ( xem hình bánh mình chia sẻ, tuy nhiên bánh trong hình đã được phóng to hơn so với thực tế ) rồi đặt vào vỉ nướng đã được lót sẵn một lớp giấy nến hoặc giấy bạc hoặc bôi kín vỉ nướng bằng một lớp dầu ăn, đặt bánh mỳ vào vỉ nướng, các bạn nhớ đặt cố định vị trí luôn, nhớ đặt cách xa các bánh với nhau để khi bánh nở sẽ không bị dính vào nhau, nhớ không được xê dịch bánh khi đã đặt vào vỉ nướng, rồi phủ kín bánh bằng một khăn ăn khô và sạch, để bánh nghỉ thêm từ 30′- 50′. Hết thời gian ta dùng kéo cắt chéo sâu vào thân bánh khoảng 1cm, vài nhát cách đều nhau ( đối với lò nướng loại nhỏ các bạn có thể nướng làm hai lần ( không nên nướng một lúc hai vỉ bánh, như thế bánh sẽ kém nở ), vỉ bánh đợi nướng, các bạn vẫn phủ kín khăn và chỉ quét lòng đỏ trứng gà lên mặt bánh trước khi nướng ).
– Làm nóng trước lò nướng ở nhiệt độ 180°c trong thời gian 10′ ở chế độ hai lửa hoặc chế độ quạt gió.
– Đổ một bát con ăn cơm nước vào khay nướng trong lò để khi nướng bánh, bánh không bị cháy mặt dưới của bánh.
– Cho vào bát con 1 lòng đỏ trứng gà và 2 thìa súp nước, đánh cho tan nhuyễn đều tất cả rồi dùng chổi làm bánh quét nhẹ đều một lớp mỏng lên mặt bánh mỳ.
– Cho vỉ bánh vào trong lò nướng đặt ở rãnh dưới rãnh trung tâm, nướng trong thời gian từ 17-20′ ở nhiệt độ 180°c. Chỉ khi nướng bánh đã đủ 13′ trở lên ta mới được mở cửa lò nếu thấy mặt bánh vàng như ý rồi thì xé một lớp giấy nến ( giấy nướng ) hoặc giấy bạc che kín mặt bánh hoặc chỉ che chỗ nào có vẻ sắp cháy rồi nướng tiếp cho đến hết thời gian quy định.
– Bánh ăn nóng hay nguội đều ngon. Ngày hôm sau các bạn dùng bánh thì nên nướng bánh cho nóng ấm hãy dùng nhé, như vậy bánh sẽ thơm ngon hơn nhiều nhất là khi ăn bánh ta uống cùng ly cà phê Trung Nguyên của Việt Nam mình hoặc ly nước cam hay loại nước trà thì còn gì ngon bằng.

*** THÀNH PHẨM : Bánh chín vàng đều hai mặt, nở nhẹ xốp và thơm.
Mời các bạn vào phần album ảnh của FB Tuyet Lanh Hoang hay trong phần album ảnh của Bếp Nhà Tuyết Lành Hoàng để tìm xem album riêng của món này trong đó có công thức, hình ảnh nguyên liệu và các bước làm . Công thức mình để ngay trên mặt mỗi tấm hình, các bạn chỉ cần kích chuột vào phần chữ trắng trên mặt tấm hình là công thức sẽ hiện ra.
Bếp Nhà Tuyết Lành Hoàng chúc các bạn thành công.
bms3

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét